ZEUS
Zeús, hay Dzeús, hay Dias (còn gọi trong một số sách truyện tiếng Việt là thần Dớt) ("vua của các vị thần") là thần trị vì các vị thần và là thần của bầu trời cũng như sấm trong thần thoại Hy Lạp.
Zeus là sự tiếp nối của Dyeus, vị thần tối cao trong tôn giáo Tiền Ấn-Âu, và tiếp tục hóa thân thành Dyaus Pitar trong Rigveda (hay Jupiter) cũng như thành Tyr trong thần thoại Đức và thần thoại Bắc Âu. Tuy nhiên, Tyr sau đó đã bị Odin chiếm ngôi vị cao nhất trong các bộ lạc Đức cổ và họ không đồng nhất Zeus/Jupiter với Tyr hay Odin, mà là với Thor. Zeus là vị thần duy nhất trong các vị thần trên đỉnh Olympus có tên rõ ràng có từ nguyên đến từ hệ ngôn ngữ Ấn-Âu, có nghĩa là "Cha Trời"
Ngoài sự kế thừa trong hệ Ấn-Âu, Zeus còn có nguồn gốc từ những hình tượng tiêu biểu trong các nền văn hóa Cận Đông cổ đại, chẳng hạn như là vương trượng. Zeus được các nghệ sỹ Hy Lạp hình dung chủ yếu trong hai tư thế: đứng, tay phải giơ cao cầm lưỡi tầm sét hoặc là ngồi uy nghi.
Vai trò và các tên gọi
Zeus đóng một vai trò thống trị, lãnh đạo tất cả các vị thần trên đỉnh Olympus của Hy Lạp cổ đại. Zeus đã sinh ra rất nhiều các anh hùng và anh thư (xem danh sách ở cuối trang) và xuất hiện trong rất nhiều các câu chuyện của họ. Dù trong tác phẩm của Homer, "người gom mây" chính là thần của bầu trời và sấm sét giống như nguồn gốc từ khu vực Cận Đông, Zeus cũng là một tạo tác văn hóa tôi thượng: xét về nghĩa nào đó, Zeus là hiện thân của tín ngưỡng tôn giáo Hy Lạp và là vị thần nguyên mẫu của Hy Lạp.
Các tên gọi hay tước hiệu của Zeus càng khẳng định các khía cạnh khác nhau trong quyền năng to lớn của vị thần này:
Olympios thể hiện vương quyền của Zeus đối với các vị thần cũng như lễ hội tôn giáo toàn Hy Lạp tại thung lũng Olympia.
Một tên gọi có liên quan là Panhellenios, ('Zeus của người Hy Lạp') và đã được thờ tại ngôi đền nổi tiếng nhất của vua Aiakos trên đảo Aegina.
Xenios: với tên gọi này, Zeus là vị thần của lòng hiếu khách và các vị khách, luôn sẵn sàng để trừng phạt những hành vi sai trái đối với những người khách lạ.
Horkios: với tên gọi này, Zeus là người giữ các lời thề. Những kẻ nói dối bị phát hiện phải dâng một bức tượng cho Zeus, thường là tại thánh đường tại Olympia.
Agoraios: Zeus là người coi sóc việc kinh doanh tại các agora (khu chợ, nơi tụ tập của nhân dân trong các thành bang Hy Lạp cổ đại), và ông sẽ trừng phạt những thương nhân thiếu trung thực
HERA
Trong thần thoại Hy Lạp, nữ thần Hera là thần của hôn nhân, thần bảo trợ cho cuộc sống gia đình, cho sự thánh thiện và bền vững của nó. Hera là vợ của thần Zeus và, cũng như chồng, có toàn quyền thống trị của một vị nữ hoàng trên đỉnh Olympus. Tương đương của thần này trong thần thoại La Mã là Juno.
Khi Hera được nhả ra từ miệng của Cronus, Rhea đã đem nàng đến chỗ của thần Okeanos ở nơi tận cùng Trái Đất giao cho nữ thần Tethys nuôi dưỡng. Hera sống một yên bình một thời gian dài xa đỉnh Olympus, cho đến khi Zeus tình cờ nhìn thấy nàng trong một chuyến du hành. Vị thần sấm sét vĩ đại vừa nhìn thấy nàng đã đem lòng yêu quý vá quyếr định bắt cóc nàng về làm vợ. Các vị thần đã làm cho họ một đám cưới thật linh đình. Nữ thần cầu vồng Iris cùng các nữ thần Duyên Dáng mặc cho Hera bộ váy áo đẹp nhất, làm cho nàng đẹp lộng lẫy và rạng rỡ hẳn lên giữa các thần trên núi Olympus, nữ thần Tethys ban cho nàng vườn táo vàng quý giá làm món quà cưới.
Hera không ưa Heracles vì chàng là con trai của chồng mình với một người phụ nữ trần gian. Khi chàng còn nhỏ, Hera đã cho rắn đến nôi tấn công chàng. Sau đó Hera đã khuấy đảo rừng Amazon để hãm hại chàng khi chàng đang đi săn.
Trong khi đó Hera lại hỗ trợ người anh hùng Jason, vốn không thể nào đoạt được con cừu vàng nếu không có sự hỗ trợ của nàng.
Trong thần thoại Hy lạp, Hera là vị nữ thần cai trị cung điện Olympus vì nàng chính là vợ của Zeus. Nhưng việc thờ cúng Hera lại xuất hiện trước việc thờ cúng Zeus khá lâu. Để hiểu rõ hơn, ta lùi lại cái thời mà những thế lực sáng tạo mà ta gọi là "thần" được quan niệm là người phụ nữ. Vị nữ thần mang nhiều hình dạng khác nhau, trong đó có loài chim.
Hera được thờ cúng khắp Hy Lạp, những đền thờ cổ xưa và quan trọng nhất được hiến dâng cho nàng. Việc Hera chinh phục thần Zeus và miêu tả nàng như là người đàn bà đanh đá ghen tuông chính là những phản ánh thần thoại về một trong những thay đổi sâu sắc nhất trong tư duy loài người.
APHRODITE(VENUS)
Trong thần thoại Hy Lạp, nữ thần Aphrodite là thần của tình yêu, sắc đẹp và sự sinh nở; và cũng là thần hộ mệnh của thủy thủ. Tương đương của thần này trong thần thoại La Mã là Venus.
Theo sử thi Iliad của Homer thì Aphrodite là con gái của Zeus và Dione. Nhưng theo Thần phả (Θεογονία Theogonia) của Hesiod thì Aphrodite sinh ra từ bọt biển (aphros = bọt sóng), do bộ phận sinh dục của Ouranos bị Cronus chém rơi xuống biển. Aphrodite trần truồng nổi lên trên những bọt sóng biển, cỡi lên một vỏ sò; trước tiên nàng đến đảo Kythira nhưng khi thấy rằng đó chỉ là một đảo nhỏ nên nàng đến Peloponnese và cuối cùng ở tại Paphos, nơi này sẽ là nơi thờ phụng chính của nàng.
\Aphrodite & cuộc chiến thành Troy
Khi được hỏi trong ba vị nữ thần Olympus ai là người xinh đẹp nhất thì Paris, hoàng tử thành Troy, đã chọn Aphrodite chứ không phải là Hera hay Athena dù hai vị nữ thần này đã hứa ban cho chàng quyền lực và chiến thắng. Điều này cũng dễ hiểu vì nữ thần Aphrodite đã hứa ban tặng cho chàng tình yêu của người phụ nữ đẹp nhất trần gian.
Sau này khi Paris cưới Helen xứ Sparta thì tên tuổi nàng đã gắn liền với địa danh thành Troy như một sự ô nhục. Trong cuộc chiến thành Troy diễn ra sau đó, Hera và Athena là hai kẻ thù không đội trời chung của thành Troy trong khi Aphrodite lại ủng hộ Paris và nhân dân thành Troy.
National Archaeological Museum of AthensSử thi Homer về cuộc chiến thành Troy kể rằng Aphrodite đã can thiệp vào trận chiến để cứu con trai mình là Aeneas, đồng minh của thành Troy. Người anh hùng Hy Lạp Diomedes lúc đó sắp giết được Aeneas đã chuyển sang tấn công nữ thần, phóng lao vào cổ tay nàng làm chảy ichor (ichor là máu của các vị thần).
Aphrodite vội thả Aeneas ra, Aeneas may sao đã được Apollo, vị thần đứng về phe thành Troy, cứu sống. Trong cơn đau đớn nàng đã cầu cứu anh trai mình là thần Chiến tranh Ares, lúc bấy giờ đang đứng gần đấy theo dõi cuộc chiến. Aphrodite mượn cỗ xe ngựa của Ares để bay lên đỉnh Olympus. Tại đây nàng khẩn cầu mẹ là Dione chữa lành vết thương cho mình. Thần Zeus yêu cầu con gái đừng tham chiến nữa vì chiến tranh là công việc của Ares và Athena, còn nhiệm vụ của nàng là chăm lo chuyện hôn nhân của thế gian.
Ngoài ra trong sử thi Iliad có nói Aphrodite cứu Paris khi chàng sắp chết trong khi giao chiến với Menelaus. Nữ thần đã dùng sương mù phủ lấy chàng và đem chàng đi đặt vào giường ngủ của chàng trong thành Troy. Sau đó nàng biến thành một người đầy tớ già đến báo với Helen rằng Paris đang đợi nàng.
Helen nhận ra vị thần trong lốt giả dạng và hỏi liệu nàng có đang bị dẫn dụ cho việc gây ra một cuộc chiến nữa không. Vì Aphrodite đã phù phép khiến nàng phải bỏ chồng là Menelaus để theo Paris. Nàng nói Aphrodite có muốn đến gặp Paris thì cứ mà đi một mình.
Aphrodite nổi trận lôi đình, cảnh báo rằng Helen không được láo xược, nếu không nàng sẽ bị cả người Hy Lạp lẫn dân thành Troy căm ghét. Vị nữ thần tính khí thất thường này nói: "Hiện ta yêu thương ngươi bao nhiêu thì ta cũng sẽ ghét giận ngươi bấy nhiêu."
Dù nữ thần Hera, vợ của Zeus, và Aphrodite không cùng chiến tuyến trong cuộc chiến thành Troy nhưng Aphrodite vẫn cho Hera mượn chiếc thắt lưng của mình để làm xao nhãng cơn giận của Zeus. Ai đeo chiếc thắt lưng này sẽ khiến cho đàn ông (cả các vị thần) chết mê chết mệt.
Homer gọi Aphrodite là "người Cyprus" và nhiều biểu tượng của nàng có lẽ đến từ châu Á qua Cyprus (và Cythea) trong thời kỳ Mycenaean. Điều này hẳn là do nhầm lẫn với những nữ thần đã xuất hiện từ trước đó như thần Hellenic hoặc thần Aegean. Người Hy Lạp cổ đại cho rằng Aphrodite có nguồn gốc vừa Hy Lạp vừa ngoại quốc.
APOLLO
Apollo là thần ánh sáng, chân lý và nghệ thuật trong thần thoại Hy Lạp, thường được thể hiện dưới hình dạng một chàng trai tóc vàng, đeo cung bạc và mang đàn lia. Thần là con ngoại hôn của Zeus và tiên nữ Leto. Em song sinh của Apollo là nữ thần săn bắn Artemis. Trong các tác phẩm của Homer, Apollo thường được gọi là vị thần bắn xa muôn dặm. Trong thời kỳ sau Apollo thường được đồng nhất với thần Mặt Trời Helios.
Khi Hera phát hiện ra rằng Leto đang mang thai với Zeus, chồng mình, bà bèn cấm Leto sinh con trên mặt đất (terra-firma), trên lục địa hay bất cứ một hòn đảo nào trên biển. Trong khi lang thang khắp nơi, Leto tìm được một hòn đảo mới nổi lên trên mặt biển gọi là đảo Delos thỏa mãn tất cả các yêu cầu khắc nghiệt của Hera và sinh con trên đó. Cả hòn đảo được rất nhiều thiên nga vây quanh. Sau đó, Zeus tìm cách bảo vệ Leto; ông đưa bà xuống đáy đại dương. Hòn đảo Delos sau này là nơi thiêng liêng bất khả xâm phạm dành cho Apollo. Trong một dị bản khác của câu chuyện, Hera đã bắt cóc Ilithyia, nữ thần của việc sinh sản, để không cho Leto sinh con. Các thần khác đã lừa Hera để bà thả cho Ilithyia đi bằng cách đưa cho bà một sợi dây đeo cổ dài 9 yard bằng hổ phách. Theo truyền thuyết, Artemis là người ra đời trước và sau giúp đỡ mẹ sinh ra Apollo. Một bản khác thì nói rằng Artemis đã chào đời trước Apollo một ngày trên đảo Ortygia và rồi bà giúp mẹ mình vượt biển đến đảo Delos sinh ra Apollo một ngày sau đó. Apollo được sinh ra vào ngày 7 của tháng Thargelion theo tín ngưỡng của đảo Delos hay là tháng Bysios theo tín ngưỡng của thành phố Delphi. Ngày 7 và ngày 20 là những ngày của trăng non và trăng tròn sau đó đã là những ngày mà người ta tiến hành thờ cúng thần.